Thế giới quanh ta
5781

Phát triển du lịch trực tuyến hướng đến người dùng

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến tất cả các khía cạnh của đời sống xã hội, ngành du lịch Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.

Cùng với xu hướng chung của thế giới, rất nhiều ứng dụng di động và website tại Việt Nam đã ra đời, hướng tới các đối tượng đa dạng cũng như tập trung hơn vào nhu cầu cá nhân của người sử dụng. Điều này đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy sự phát triển của du lịch trong nước.

Lần đầu tiên Robert Bradley (du khách Anh) đến thăm Việt Nam, thông qua Tubudd - một startup Việt mới trong lĩnh vực du lịch, anh đã tìm được một người bạn Việt Nam đồng hành trong suốt chuyến đi của mình. Giống như một số ứng dụng trong lĩnh vực giao thông như Uber hay Grab, Tubudd là một nền tảng trực tuyến giúp kết nối khách du lịch và hướng dẫn viên người bản xứ, họ sẽ trở thành bạn đồng hành với nhau trong suốt chuyến đi. Với Tubudd, khách du lịch sẽ có cơ hội trải nghiệm cuộc sống và văn hóa giống như người dân bản địa.

Robert Bradley chia sẻ: "Chúng tôi đã tới thăm một số địa điểm không có nhiều khách du lịch mà có vẻ khá yên tĩnh, đó là một quán cà phê với khung cảnh rất đẹp. Hôm nay chúng tôi khá bận rộn nhưng rất vui".

Tubudd là một trong số rất nhiều những startup công nghệ trong lĩnh vực du lịch trực tuyến. Năm 2016, nhiều startup mới trong lĩnh vực này đã ra đời như TripI hay VnTrip, giúp cung cấp các dịch vụ trực tuyến cho khách hàng. Mặc dù thị trường này đang bị các công ty nước ngoài như Agoda, Booking.com hay Traveloka thống trị, các startup Việt trong lĩnh vực du lịch trực tuyến vẫn có cơ hội để phát triển thông qua việc đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng.

Theo một nghiên cứu của Google, giá trị của thị trường du lịch trực tuyến tại khu vực Đông Nam Á sẽ lên đến 90 tỷ USD vào năm 2025 và Việt Nam phấn đấu đóng góp 10% vào con số trên. Để khai thác hết tiềm năng này, các startup Việt được kỳ vọng sẽ tung ra nhiều sản phẩm độc đáo hơn nữa, đáp ứng được nhu cầu càng cao của người dùng.

Theo VTV