Thế giới quanh ta
644

Ông Tyler Cheung (ACBS): Thị trường chứng khoán năm 2017 khác hẳn so với bong bóng năm 2007

Đó là nhận định của ông Tyler Cheung - Giám đốc khối khách hàng định chế kiêm Trưởng phòng phân tích CT TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) khi đánh giá về sự tương đồng giữa thị trường năm 2007 và năm 2017.

Chỉ số VN-Index đã tăng hơn 40% kể từ đầu năm nay và vẫn chưa dừng lại. Ông đánh giá gì về xu hướng thị trường và những yếu tố tác động cho đến hết năm?

Chỉ số VN-Index là một trong những chỉ số đạt kết quả cao nhất thế giới trong năm nay. Riêng trong tháng 11, chỉ số VN-Index đạt mức tăng trưởng 13.7%. Sự tăng trưởng vượt bậc trong tháng 11 này được thúc đẩy bởi một vài sự kiện lớn. Thương vụ Vincom Retail (VRE) niêm yết vào đầu tháng 11 đã thu hút rất nhiều sự chú ý của thị trường từ các nhà đầu tư nước ngoài và đã tạo ra sự gia tăng đáng kể về thanh khoản trên thị trường chứng khoán. Công ty mẹ, Vingroup (VIC), là một trong những công ty có mức ảnh hưởng lớn nhất đến mức tăng trưởng của chỉ số VN-Index. Tính từ đầu tháng 11 đến nay, cổ phiếu VIC đã tăng 30%.

Một cái tên quen thuộc khác cũng thu hút sự chú ý không kém là Vinamilk (VNM). Chính phủ Việt Nam đã tổ chức đấu giá vào ngày 10/11 để bán ra 3.3% cổ phần tại Vinamilk với mức giá khởi điểm là 150,000 đồng/cp, trong khi đó giá chào mua của Jardine Cycle & Carriage là 186,000 đồng/cp cho toàn bộ số cổ phiếu được bán ra. Jardine C&C tiếp tục tích lũy và hiện tại đã nắm giữ khoảng 9% cổ phần của VNM với tổng mức đầu tư khoảng 1 tỷ USD. Điều này đã góp phần đẩy giá của VNM lên mức cao nhất trong tháng 11 và tăng 23% so với đầu tháng. Cả 2 tên tuổi này, VIC và VNM đã dẫn dắt đợt phục hồi và đóng góp khoảng 32% vào tổng mức tăng điểm của chỉ số VN-Index trong tháng 11.

Do thị trường có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian gần đây, nên rủi ro trong ngắn hạn có thể sẽ là sự điều chỉnh của thị trường do lực bán chốt lời của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, sẽ không có rủi ro về một nhịp giảm sâu. Định giá thị trường hiện nay vẫn chưa quá nóng với PE ở mức 18x và một môi trường vĩ mô ổn định đang hướng đến sự tăng trưởng hơn nữa. Theo quan điểm của tôi, rủi ro chính đối với thị trường sẽ đến từ các sự kiện bên ngoài, như căng thẳng đang xảy ra tại bán đảo Triều Tiên hoặc những cú sốc không mong đợi đối với các mối quan hệ thương mại đến từ các chính sách bảo hộ.

Theo ông, chỉ số VN-Index có cơ hội nào để chinh phục mốc tâm lý 1,000 điểm ngay trong năm nay hoặc trong quý 1/2018?

Khả năng cao là chỉ số VN-Index có thể vượt ngưỡng 1,000 điểm trước khi kết thúc quý 1 năm sau. Mặc dù chỉ số này đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay nhưng nền tảng của thị trường được nâng đỡ bởi đa số các cổ phiếu có cơ bản tốt và bền vững, các cổ phiếu này vẫn nằm trong mức định giá hợp lý nếu bạn loại bỏ một số cổ phiếu có vốn hóa quá lớn.

Tuy nói như thế, nhưng với nhịp tăng mạnh của thị trường như vừa qua thì vẫn có khả năng sẽ có nhịp điều chỉnh do áp lực chốt lời. Song, các yếu tố cơ bản trên thị trường được củng cố bởi một môi trường vĩ mô vững chắc với GDP trong quý 3 đã đạt gần 7.5% (đây là mức tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong quý 3 trong vòng 7 năm gần đây), lạm phát vẫn duy trì ở mức thấp chỉ khoảng 1.8% trong năm nay và dự trữ ngoại hối đã đạt đến mức cao nhất, cho thấy không có áp lực nào đối với đồng Việt Nam. Tất cả những điều đó cho thấy sự điều chỉnh trong ngắn hạn sẽ không chuyển biến thành một thị trường sụt giảm trong dài hạn.

Hình ảnh thị trường chứng khoán lập đỉnh 1,170 điểm và sụp đổ của 10 năm trước (2007) hay được nhà đầu tư nhắc đến trong thời gian qua. Theo ông thì thị trường năm nay (2017) liệu có tương đồng với năm 2007 không, thưa ông?

Ngoài mức chỉ số VN-Index, có rất ít điểm tương đồng giữa năm 2007 và năm 2017. Độ lớn của thị trường, tính thanh khoản và định giá thị trường, tất cả đều cho thấy một thị trường chứng khoán lành mạnh hơn so với năm 2007, và tiến đến tăng trưởng bền vững hơn, chứ không tiềm ẩn nguy cơ rủi ro bong bóng.

Khi VN-Index chạm mốc 1,170 điểm vào tháng 4 năm 2007, thị trường chỉ có 107 công ty niêm yết trên sàn HOSE với tổng vốn hóa thị trường là 17.1 tỷ USD. Thanh khoản trung bình vào thời điểm đó là 54 triệu USD/ngày và giá trị đạt 37x thu nhập với giá trị sổ sách đạt 7.5x. Những con số này cho thấy một sự tăng trưởng quá nhanh với dòng tiền chảy vào thị trường quá nhiều, tạo ra bong bóng thị trường.

So với thị trường hiện nay, chúng ta có 349 công ty niêm yết trên sàn HOSE với chỉ số VN-Index đạt 952 điểm và vốn hóa thị trường đạt 110 tỷ USD. Thanh khoản thị trường đã được cải thiện và đạt trung bình 180 triệu USD mỗi ngày với mức định giá thị trường đạt 18.7x thu nhập và giá trị sổ sách là 2.7x.

Với cơ cấu thị trường lành mạnh như hiện nay, thị trường chứng khoán năm 2017 có thể nói là khác hẳn so với năm 2007.

Ông dự báo dòng tiền trên thị trường chứng khoán sẽ dịch chuyển ra sao? Và lời khuyên nào cho nhà đầu tư trong giai đoạn hiện tại?

Tôi nghĩ rằng một trong những chủ đề chính sẽ tiếp tục trong năm 2018 là dòng tiền chảy vào các đợt phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng và cổ phần hóa/Nhà nước thoái vốn. Trong lĩnh vực ngân hàng, HDBank và TPBank dự kiến sẽ IPO và một số ngân hàng khác, bao gồm cả Techcombank, dự kiến sẽ được niêm yết vào năm 2018. Chính phủ Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục kế hoạch cổ phần hóa một số công ty lớn như Becamex IDC, PV Power, PV Oil, SATRA và các công ty khác.

Năm 2018 sẽ có những cơ hội đầu tư cho nhóm cổ phiếu Mid Cap. Nhìn vào chỉ số VN30 là đại diện của nhóm các cổ phiếu lớn trên thị trường, chỉ số này đã có một đợt tăng giá lớn trong năm 2017. Các cổ phiếu trong VN30 đã đóng góp khoảng 80% vào sự tăng trưởng của thị trường trong năm nay, kết quả là một số cổ phiếu đã đạt mức định giá khá cao bao gồm ROS (PE 170x), VIC (59x) và SAB (49x).

Với định giá tương đối cao cho nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn, có khả năng sẽ có một sự điều chỉnh, gây ảnh hưởng tiêu cực đến các chỉ số và tâm lý thị trường. Tuy nhiên, khi nhìn vào các công ty có vốn hóa trung bình (với chỉ số VN Mid Cap Index), định giá có vẻ khá hợp lý với mức PE đạt 11.7x. Hơn nữa, hoạt động kinh doanh của nhóm công ty Mid Cap có phần trì trệ hơn so với nhóm Large Cap trong năm 2017, cho thấy dư địa tăng trưởng trong năm 2018 của nhóm Mid Cap là lớn hơn.

Lời khuyên của tôi dành cho các nhà đầu tư là tập trung vào các cổ phiếu cơ bản, hãy thận trọng với các định giá vô lý và tìm kiếm cơ hội trong nhóm các cổ phiếu có vốn hóa trung bình đang chuẩn bị tăng trưởng mạnh trong năm 2018.

Sanh Tín (thực hiện)
FILI