Cuộc đua thương mại điện tử tại Việt Nam, Thái Lan và Malaysia
Ba quốc gia có những kết quả kinh doanh ấn tượng trong bức tranh thương mại điện tử Đông Nam Á.
Tại khu vực, thị trường thương mại điện tử đang phát triển nhanh vũ bão. Doanh số toàn Đông Nam Á dự đoán đạt 88 tỷ USD vào 2025, chiếm 6% tổng doanh số bán lẻ. Đằng sau đó có thể lý giải bởi sự gia tăng của cả tầng lớp trung lưu và sự thâm nhập ngày càng sâu rộng của Internet. Trong đó, cạnh tranh tại Thái Lan, Việt Nam và Malaysia có những tương đồng đáng kể.
Lazada đang dẫn đầu tại ba quốc gia này. Trang thương mại điện tử thành lập bởi Rocket Internet của Đức bắt đầu xuất hiện tại Đông Nam Á khoảng 5 năm trước. Sau khi được Alibaba đầu tư vào tháng 4 năm ngoái, Lazada trở thành lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng khu vực, đặc biệt là Thái Lan, Việt Nam và Malaysia, với việc dẫn đầu về lượng truy cập.
Cụ thể, tại Thái Lan, Lazada chiếm 56% lượng truy cập, tiếp đến là 11Street và Shopee với lần lượt 12,2% và 4%. Ở Malaysia, trang này cũng dẫn đầu với 48% lượng truy cập và theo sau là 11Street với 16,4% và Lelong với 10,5%. Trong khi đó, số liệu tại Việt Nam có một chút chênh lệch. Dù vẫn đứng đầu nhưng Lazada chỉ chiếm 19,9% lượng truy cập, khoảng trống còn lại là cuộc cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước như Thế giới di động (15%) và Sendo (11%).
Với Thái Lan và Malaysia, nơi Lazada chiếm một thị trường rộng, người tiêu dùng có rất ít lựa chọn mua hàng qua mạng chất lượng. Mặt khác, 4% chênh lệch giữa Lazada với các đối thủ cho thấy cuộc cạnh tranh rất mạnh mẽ ở Việt Nam. Người tiêu dùng tại đây hưởng lợi khi các công ty phải so găng buộc chất lượng và sản phẩm phải liên tục nâng cao.
Theo dữ liệu từ Consumer Barometer - một công cụ nghiên cứu cách cộng đồng sử dụng Internet của Google, người Malaysia có khuynh hướng tìm kiếm thông tin về các đợt khuyến mãi và giảm giá.
Thông tin cũng cho thấy người Malaysia rất nhạy cảm với giá. Một nghiên cứu từ hãng Nielsen chỉ ra 95% người dân nước này so sánh giá và thường xuyên tìm kiếm các mặt hàng giảm giá.
Ngược lại, 66% người Việt Nam có khuynh hướng tìm kiếm thông tin giá và tình trạng sản phẩm. Con số này ở Malaysia và Thái Lan lần lượt là 65% và 51%.
Cũng theo dữ liệu của Consumer Barometer, dù người Thái Lan tìm kiếm thông tin sản phẩm qua mạng, họ thường đến trực tiếp các cửa hiệu để mua hàng, với 65% người được hỏi xác nhận câu trả lời.
Có nhiều lý do để giải thích vấn đề này. Người Thái Lan có thể không tin tưởng vào hệ thống bán hàng online. Họ nghĩ rằng không tiện lợi trong việc xem và thử sản phẩm thật trước khi mua. Họ cũng có thể cảm thấy thoải mái hơn khi có ai đó hỗ trợ khi mua hàng.
Mua sắm qua các trang nước ngoài là lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng Đông Nam Á khi tìm kiếm những các sản phẩm bên ngoài biên giới. 54% người Việt Nam mua các mặt hàng nước ngoài bởi họ tin chúng có chất lượng tốt hơn. Trong khi đó, lý do của người Thái Lan là sự đa dạng mặt hàng.
Tuy nhiên, một trong những trở ngại mà người tiêu dùng các quốc gia này phải đối mặt chính là rào cản ngoại ngữ. Vấn đề rất rõ nét với người Thái Lan và Việt Nam trong khi chỉ 3% người Malaysia gặp vấn đề tương tự.
Nghiên cứu từ Google và Temasek (Singapore) cho thấy thị trường thương mại điện tử Thái Lan sẽ tăng trưởng từ 900 triệu USD vào 2015 lên 11,1 tỷ USD vào 2025.
“Thái Lan sẽ là trung tâm của thương mại điện tử và thanh toán của Cộng đồng Kinh tế Đông Nam Á (AEC) vào 2017”¸ Kulthirath Pakawachkrilers, Giám đốc công ty phân tích thị trường Joyfulness (Thái Lan) từng dự đoán.
Không chỉ mang đến nhiều lựa chọn hơn, cuộc cạnh tranh của các hãng sẽ giúp người tiêu dùng có nhiều sản phẩm tốt và dịch vụ chất lượng hơn.
Theo Tech in Asia