Cơn sốt Bitcoin gợi nhớ về ký ức đau thương của thời kỳ bong bóng xa xưa
Liệu hiện tượng Bitcoin có trở thành một trong những vụ sụp đổ bong bóng lớn nhất trong lịch sử?
Đà tăng khủng khiếp của đồng tiền kỹ thuật số trong năm nay (1,400%) có đầy đủ những đặc điểm của một hiện tượng bong bóng khổng lồ, theo quan điểm của những nhà đầu tư như Warren Buffett.
Và nếu bong bóng này vỡ ra thì hậu quả sẽ rất khủng khiếp.
Xét đến chuyện các hiện tượng bong bóng này kết thúc ra sao, thì lịch sử về hiện tượng bong bóng cho thấy mọi thứ sẽ kết thúc với vụ nổ to, Sharon Zoller, Chuyên gia kinh tế ở ANZ, cho thấy. “Tôi không thể nghĩ ra bất kỳ lý do nào để cho rằng lần này sẽ khác”, bà nói rõ.
Để giúp hiểu rõ hơn về những hậu quả đang trực chờ đối với hiện tượng bong bóng, thì CNNMoney đã dẫn ra 4 bong bóng tài chính nổi tiếng nhất trong lịch sử:
Bong bóng hoa tulip
Vào đầu thế kỷ 17, hoạt động đầu cơ đã đẩy giá trị của hoa tulip lên mức cao ngất ngưỡng ở Hà Lan. Được nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ, hoa tulip được xem là một điều mới lạ tại thời điểm đó.
Một cá nhân không ở thời kỳ này sẽ nghĩ rằng nhất định phải có đặc tính gì đó đặc biệt khiến loài hoa này trở nên giá trị trong mắt vô số người như vậy: Có thể là bởi màu sắc tinh túy, mùi hương thơm ngát hay sự dẻo dai và ít chịu sâu bệnh. Tuy nhiên tất cả các suy nghĩ thông thường đó đều không đúng – bởi vì loài hoa này được bán với giá xa xỉ kinh ngạc chỉ vì sự khan hiếm và những lời khen ngợi dành cho nó.
Nhà khoa học Beckmann thì cho rằng “loài hoa này là kiệt tác của tạo hóa, khi nó càng lớn lên đẹp đẽ thì lại càng mong manh và cần sự chăm chút, hệt như một tiểu thư cành vàng lá ngọc vậy”.
Bong bóng hoa tulip ở thập kỷ 17
Dữ liệu giá từ những ngày đó quả thật rất hiếm, vì thế rất khó để đo lường chính xác là giá đã tăng bao nhiêu. Hoa tulip “hot” đến nỗi nhiều người dân Hà Lan tại thời điểm đó đã cầm cố nhà ở của mình để có tiền mua loại hoa này, theo Rijksmuseum – Viện bảo tàng ở Hà Lan.
Cũng như nhiều hiện tượng bong bóng khác, giá hoa tulip được thúc đẩy bởi lòng tham hoặc nỗi lo sợ đánh mất cơ hội làm giàu (FOMO). Những nhà đầu cơ liên tục mua vào hoa tulip với hy vọng họ có thể bán chúng ở mức giá cao hơn. Một lần nữa, đà tăng không tồn tại lâu. Làn sóng bán tháo bắt đầu và gây ra hiệu ứng domio, giá bắt đầu sụp đổ từ đó.
Stephen Innes, Trưởng Bộ phận Giao dịch châu Á tại Oanda, tin rằng hiện tượng bong bóng Bitcoin có thể cũng sẽ như thế.
“Giá sẽ tăng quá cao đến nỗi vượt ra khỏi tầm với của một người bình thường – và cuối cùng nhu cầu cũng dần biến mất”, ông cho hay.
Bong bóng Biển Nam
Trong thế kỷ 18, giá cổ phiếu của Công ty Biển Nam (South Sea Company) – một công ty giao dịch thuộc nước Anh – bỗng dưng tăng vọt nhờ kỳ vọng họ sẽ sớm thu về lợi nhuận khổng lồ từ hoạt động thương mại với Nam Mỹ.
Tuy nhiên, mọi thứ không diễn ra như thế.
Còn nhớ, lúc đó, Nam Mỹ bị kiểm soát bởi Tây Ban Nha – vốn đang ở trong một cuộc chiến với Đế chế Anh quốc tại thời điểm đó. Điều này khiến sự độc quyền giao dịch với Anh quốc ở khu vực này khó xảy ra.
Tuy nhiên, nhà đầu tư nhỏ lẻ ở nước Anh liên tục đổ vốn vào cổ phiếu của Công ty Biển Nam và chỉ trong vòng 1 năm, giá đã nhảy vọt 900%.
Không lâu sau đó, giá cổ phiếu này bắt đầu trượt dốc khi các “tay to” bắt đầu bán tháo. Sự sụp đổ của bong bóng Biển Nam cũng dẫn tới hàng loạt vụ phá sản của nhiều công ty khác.
Vụ đổ đèo trên Phố Wall năm 1929
Trong giai đoạn 5 năm trước đợt trượt dốc trong tháng 10/1929, các cổ phiếu niêm yết thuộc chỉ số Dow Jones Industrial Average đã nhảy vọt 500%.
Nhà đầu tư trở nên cực kỳ lạc quan về nền kinh tế Mỹ, điều này đã khiến họ liên tục mua vào cổ phiếu và đẩy giá lên. Cuối cùng các vết nứt trong nền kinh tế bắt đầu xuất hiện.
Vụ đổ đèo không diễn ra chỉ trong 1 ngày. Theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), cơn đau đã lan rộng ra qua nhiều đợt sụt giảm mạnh của Dow Jones.
Góp phần khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn, nhiều nhà đầu tư – những người chạy theo xu hướng trên Phố Wall – còn mua cổ phiếu bằng tiền vay mượn.
Bài báo có tiêu đề: "Chứng khoán sụt 508 điểm trước làn sóng bán tháo đáng sợ"
Cú sụp đổ năm 1929 đã dẫn tới nỗi đau khủng khiếp của cuộc Đại Suy thoái.
Phố Wall liên tục sụt giảm và chưa tìm thấy đáy cho đến hơn 2 năm sau, khi đó Dow Jones đã lao dốc 90% so với mức đỉnh năm 1929.
Bong bóng dot-com
Nhà đầu tư bị cuốn vào một cơn sốt Internet hồi cuối thập niên 90. Họ liên tục rót vốn vào các công ty chuyên tập trung vào Internet (những công ty có tên kết thúc bằng .com), qua đó đẩy chỉ số Nasdaq Composite nhảy vọt 200% chỉ trong vòng hơn 1 năm.
Động lực mang lại đà tăng xuất phát từ chuỗi bán cổ phiếu trị giá hàng tỷ USD trong suốt kỷ nguyên Internet, nhiều trong số này là các công ty Internet và phần mềm làm ăn không có lãi.
Dĩ nhiên, cuộc vui cũng đến lúc tàn. Bong bóng dot-com vỡ ra vào đầu năm 2000, một phần là do lãi suất cao hơn khiến việc đi vay tốn kém hơn. Nasdaq Composite lao dốc 80% trong vài năm kế tiếp.
Tuy nhiên, Shane Oliver, Chuyên gia kinh tế tại AMP Capital, cho biết đà tăng ấn tượng của Bitcoin không hẳn là giống với các bong bóng trước đây.
Theo CNNMoney