138.000 tên miền quốc gia .VN được phát triển mới trong năm 2017
Báo cáo mới nhất từ Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cho thấy, tính đến 15/12, có gần 138.000 tên miền được phát triển mới, nâng tổng số tên miền không dấu “.VN” lên 428.940.
Ông Lê Nam Trung, Phó Giám đốc VNNIC tại hội nghị tổng kết công tác năm 2017. Ảnh: Mạnh Vỹ
Chiều 20/12, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và chương trình công tác năm 2018.
Theo VNNIC, trong năm 2017, tên miền không dấu “.VN” liên tục là tên miền quốc gia (ccTLD) có số lượng đăng ký sử dụng cao nhất khu vực ASEAN và Việt Nam đứng thứ 7 trong danh sách 10 tên miền cấp cao mã quốc gia có số lượng tên miền đăng ký sử dụng lớn nhất khu vực châu Á.
Cụ thể, tính đến hết ngày 15/12/2017, đã phát triển mới được 137.909 tên miền, nâng tổng số tên miền không dấu “.VN” hiện đang duy trì trên hệ thống (đến hết ngày 15/12/2017) là 428.940 tên miền, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, trong năm 2017, Việt Nam đã phát triển mới được 6.960 tên miền tiếng Việt nâng tổng số tên miền tiếng Việt lên con số 182.490 tên miền. Trung tâm Internet Việt Nam cũng thực hiện chuẩn hóa toàn bộ quy trình tác nghiệp liên quan đến tên miền tiếng Việt đã đồng bộ với tên miền không dấu, đảm bảo đồng nhất trong quản lý tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”.
Năm 2017, VNINIC có nhiều hoạt động triển khai cung cấp dịch vụ IPv6 đã được đẩy mạnh và tạo sự tăng trưởng, đưa Việt Nam trở thành nước trong top đầu khu vực châu Á về ứng dụng IPv6. Cụ thể, tính đến đầu tháng 12/2017 (theo nguồn Cisco), tỉ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam đạt khoảng 10%, khoảng 4,3 triệu người sử dụng IPv6 đưa Việt Nam vượt lên đứng thứ 3 khu vực ASEAN (sau Malaysia, Thái Lan), đứng thứ 5 khu vực Châu Á về ứng dụng IPv6 (nguồn APNIC)
Một số công tác khác được chú trọng trong năm 2017 là quản lý, đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống kỹ thuật, dịch vụ được đảm bảo hoạt động thông suốt, ổn định, an toàn và hiệu quả, không xảy ra sự cố nghiêm trọng nào.
Hệ thống DNS quốc gia đã được nâng cấp hỗ trợ song song IPv4/IPv6, với tổng số 5/7 cụm DNS đã triển khai, sẵn sàng phục vụ phân giải truy vấn tên miền “.VN” trên cả 2 nền tảng IPv4/IPv6. Tổng truy vấn tên miền trên toàn hệ thống DNS quốc gia trong năm 2017 đạt 214.700 truy vấn, tăng 90% so với cùng kỳ năm 2016.
VNNIC cũng triển khai tiêu chuẩn DNSSEC cho hệ thống máy chủ tên miền DNS đảm bảo chính xác, tin cậy trong việc sử dụng, truy vấn tên miền “.VN”.
Ngoài ra, VNNIC đã triển khai thực hiện các quy định chuyển nhượng quyền sử dụng tên miền “.VN” ra cộng đồng kể từ 1/6/2017 theo các quy định đã được ban hành. Cho đến nay, đã có 651 tên miền chuyển nhượng thành công trên thực tế. Việc triển khai thành công quy định chuyển nhượng tên miền đã đáp ứng nhu cầu rất lớn của cộng đồng, là cơ sở pháp lý quan trọng để "kích cầu" cho tên miền quốc gia Việt Nam ".VN" phát triển.
Trước thực trạng ngày càng gia tăng tình trạng vi phạm pháp luật của các trang thông tin điện tử, đặc biệt là các trang thông tin điện tử sử dụng tên miền quốc tế, năm 2017 VNNIC tăng cường công tác quản lý hoạt động của Nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam, rà soát các tên miền quốc tế chưa thông báo trên môi trường mạng theo quy định. Tính thời điểm hiện tại, VNNIC đã tiếp nhận hồ sơ đăng ký hoạt động của 51 đơn vị và đã có 42 đơn vị đã đủ điều kiện để cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì TMQT tại Việt Nam và có 163.855 tên miền quốc tế đã được thông báo trên trang http://thongbaotenmien.vn.
Trong năm 2018, VNNIC sẽ tiếp tục quản lý, vận hành hệ thống DNS quốc gia. Thường xuyên nâng cấp, mở rộng hệ thống đáp ứng nhu cầu sử dụng, yêu cầu phát triển Internet tại VN. Triển khai các biện pháp, giải pháp đảm bảo an toàn an ninh, tăng cường năng lực hệ thống tại các điểm. Triển khai DNSSEC theo đúng lộ trình quốc gia đã ban hành.
Thường xuyên rà soát, đảm bảo nguồn thông tin, dữ liệu chính xác của chủ thể đăng ký sử dụng tài nguyên tại Việt Nam.
Tiếp tục công tác giám sát, kiểm tra, đánh giá chất lượng công tác quản lý tên miền “.vn” của từng nhà đăng ký tên miền “.vn” trên toàn hệ thống. Đồng thời tiếp tục thúc đẩy ứng dụng IPv6 với vai trò Thường trực Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia.
Theo ICTNews