Việt Nam sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển dịch công nghệ mới của Nhật Bản
Nhiều năm qua, Việt Nam vẫn duy trì là sự lựa chọn yêu thích nhất, và là đối tác chuyển đổi số lớn thứ 2 của Nhật Bản. Việt Nam đang hướng tới là đối tác công nghệ thông tin (CNTT) toàn diện cho việc phát triển kinh tế số bền vững của Nhật Bản.
Toàn cảnh Vietnam IT Day 2024 lần thứ 11.
Ngày 6/8, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), Hiệp hội Công nghiệp Dịch vụ CNTT Nhật Bản (JISA) và Tổ chức xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO) đã phối hợp tổ chức Chương trình Vietnam IT Day 2024 lần thứ 11 tại Tokyo, Nhật Bản.
Vietnam IT Day 2024 có sự tham dự của 250 đại biểu Việt Nam và Nhật Bản. Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng; Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu; đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản (MIC) tham dự Chương trình.
Nối tiếp sự thành công của hơn một thập kỷ qua, Vietnam IT Day 2024 tiếp tục lan tỏa, mở rộng mạng lưới doanh nghiệp tham dự hợp tác, trở thành sự kiện thường niên nhằm hỗ trợ quảng bá doanh nghiệp CNTT Việt Nam tại quốc tế. Chương trình được tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam.
Việt Nam là đối tác chuyển đổi số lớn thứ 2 của Nhật Bản
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA phát biểu.
Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA, quan hệ hợp tác công nghệ số giữa các doanh nghiệp cũng liên tục phát triển nhanh, mạnh mẽ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp 2 nước trong hầu hết các ngành kinh tế trọng điểm của 2 nước. Việt Nam vẫn duy trì là sự lựa chọn yêu thích nhất, và là đối tác chuyển đổi số lớn thứ 2 của Nhật Bản.
Vietnam IT Day 2024 năm thứ 11 được tổ chức, khẳng định rất rõ, và sâu sắc mối quan hệ trên với sự quan tâm không chỉ của doanh nghiệp, các tổ chức lớn JETRO, JISA, NCNETwork mà còn cả lãnh đạo của 2 Bộ: Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, Bộ Nội vụ và truyền thông Nhật Bản.
Dù trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, doanh nghiệp đối mặt nhiều thách thức như đại dịch Covid-19, đồng yên sụt giá..., doanh nghiệp IT Việt vẫn kiên định tìm cách vượt khó, đồng hành toàn diện cùng các đối tác Nhật Bản trong chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh, và vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng doanh thu tốt, nghiên cứu được những giải pháp tiên tiến, hữu ích.
Để ghi nhận và biểu dương, động viên khích lệ những doanh nghiệp tiên phong này, nhân dịp Vietnam IT Day 2024, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã quyết định Trao tặng bằng khen, vinh danh 6 doanh nghiệp bao gồm: FPT Japan, VTI Japan, Luvina Japan, CMC Japan, Rikkei Japan, và Kaopiz.
Vietnam IT Day 2024 nằm trong chuỗi 3 hoạt động xúc tiến thương mại thường niên kết nối doanh nghiệp hai nước, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước Việt Nam, Nhật Bản trong lĩnh vực công nghệ số.
Ngoài hội thảo, bên lề sự kiện còn có 15 gian hàng của doanh nghiệp Việt Nam và hoạt động kết nối giao thương 1:1 giữa các doanh nghiệp Việt - Nhật với khoảng hơn 180 cuộc thương thảo.
Trải qua hơn 10 năm tổ chức, Vietnam IT Day 2024 vẫn duy trì là một diễn đàn định vị xu hướng hợp tác CNTT, đồng thời là môi trường kết nối kinh doanh hiệu quả giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản.
Đối tác CNTT toàn diện để phát triển kinh tế số bền vững của Nhật Bản
Với chủ đề “Vietnam – Đối tác CNTT toàn diện cho việc phát triển kinh tế số bền vững của Nhật Bản”, Vietnam IT Day 2024 truyền tải 3 thông điệp, cũng chính là những hướng hợp tác Việt-Nhật trong 5-10 năm tới.
Thứ nhất, chuyển đổi số hệ thống và ứng dụng AI: Hiện tại, hầu hết các hệ thống công nghệ trong các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Nhật Bản trong các lĩnh vực trọng điểm như tài chính-ngân hàng, bán lẻ, năng lượng, logistics…vẫn đang sử dụng những hệ thống công nghệ được xây dựng từ hơn 2 thập kỷ trước. Điều này đang khiến các doanh nghiệp Nhật có nguy cơ tụt hậu so với các đối thủ trên toàn cầu.
Nhu cầu hiện đại hóa các hệ thống là rất lớn, tuy nhiên, hệ thống lớn, ảnh hưởng đến nhiều khách hàng, nên việc hiện đại hóa cần rất nhiều nguồn lực, và thận trọng. Trong khi đó, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã và đang xây dựng được những giải pháp, và hoàn thiện dịch vụ chuyển đổi số để hiện đại hóa hệ thống của các cơ quan, doanh nghiệp Nhật.
Các doanh nghiệp Việt cũng đã nghiên cứu, triển khai sẵn sàng những mô hình AI để cùng các bạn nghiên cứu, ứng dụng giúp tối ưu hóa hệ thống, đưa ra mô hình sản xuất mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Nhật Bản.
Thứ hai, chuyển đổi số sản xuất-chuyển đổi xanh: Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản đều cam kết đạt mức phát thải dòng bằng 0 (net zero) vào năm 2050. Đây là một thách thức rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất hai nước.
Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã sẵn sàng những giải pháp quản trị sản xuất, tối ưu hóa nguồn lực, năng lượng, các giải pháp đo kiểm và tối ưu carbon. Đây là sẽ trọng tâm hợp tác trong 10-20 năm tới. Đi trước là công nghiệp ô tô – automotive. Một trong những ngành công nghiệp lớn, trọng tâm phát triển của cả Nhật Bản và Việt Nam
Thứ ba, sự sẵn sàng của nguồn nhân lực và các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cho sự dịch chuyển của các đối tác Nhật Bản. Các doanh nghiệp Nhật Bản đang định hình rất rõ xu hướng dịch chuyển tới Việt Nam trong hầu hết các ngành.
Chủ tịch VINASA Nguyễn Văn Khoa nhận định: “Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, các doanh nghiệp Nhật mong muốn chuyển dịch tất cả các tầng công việc, từ upstream đến downstream, từ nghiên cứu, thiết kế đến sản xuất, kiểm thử. Mỗi năm dân số Nhật Bản giảm gần 1 triệu người, mỗi năm dân số Việt Nam tăng gần 1 triệu người. Ngành CNTT Việt Nam có 1,5 triệu lao động, 55.000-70,000 kỹ sư CNTT tốt nghiệp và gia nhập thị trường lao động hàng năm. Các doanh nghiệp Nhật Bản hướng đến Việt Nam vì lý do này".
Việt Nam đã có sẵn doanh nghiệp với hàng chục nghìn lao động, hơn chục doanh nghiệp trên 1.000-5.000 lao động, hàng trăm doanh nghiệp quy mô 200-1.000 lao động đang phục vụ thị trường Nhật Bản.
Ông Noriya Tarutani, Phó Giám đốc Ban Đổi mới sáng tạo, JETRO phát biểu.
Chia sẻ về quan điểm này, ông Noriya Tarutani, Phó Giám đốc Ban Đổi mới sáng tạo của JETRO cho biết: “Hàng năm có một số lượng đầu tư trực tiếp nhất định từ Nhật Bản vào Việt Nam trong lĩnh vực CNTT và đến năm 2023 có 59 khoản đầu tư, tương đương 20% tổng số".
Trong những năm gần đây, đã có những startup Nhật Bản thành lập cơ sở phát triển tại Việt Nam. Một số công ty đang chú ý đến các kỹ sư xuất sắc của Việt Nam và định vị Việt Nam là cơ sở nghiên cứu và phát triển các công nghệ tiên tiến như AI.
"Ở chiều ngược lại, đầu tư từ Việt Nam sang Nhật Bản tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ và lĩnh vực CNTT đang chiếm phần lớn hoạt động tư vấn của JETRO cho các công ty Việt Nam mở rộng sang Nhật Bản”, ông Noriya Tarutani nói.
Nguồn: nhandan.vn