Công nghệ mới
207

AI4VN 2024 bàn giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh

Các xu hướng ứng dụng AI doanh nghiệp, y tế cũng như chuẩn bị hạ tầng AI Cloud... sẽ được thảo luận tại 4 workshop diễn ra sáng 23/8, thuộc khuôn khổ AI4VN 2024.


Kham tham dự trải nghiệm sản phẩm tại AI4VN 2023. Ảnh: Trần Quỳnh

Workshop là sự kiện khởi động Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN 2024), tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội. Diễn ra từ 8h ngày 23/8, bốn phiên hội thảo (AI Workshop) nối tiếp với các diễn giả danh tiếng và chuyên gia trí tuệ nhân tạo đến từ các đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp, trường đại học, cùng trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm giải pháp cho những thách thức hiện tại và tối đa hóa lợi ích của các công nghệ AI.

Tham luận mở màn đến từ đại diện của Đại diện của UNESCO với bài trình bày: "Hợp tác quốc tế đảm bảo an toàn đối với trí tuệ nhân tạo". Thời gian qua UNESCO đã đưa ra một bộ quy định về đạo đức trong trí tuệ nhân tạo, tập trung vào việc đảm bảo rằng AI được phát triển và sử dụng theo cách tôn trọng quyền con người và thúc đẩy sự công bằng. Trong hợp tác với Việt Nam, tổ chức này cũng cho biết sẵn sàng hỗ trợ Bộ Khoa học và Công nghệ trong triển khai các khuyến nghị của UNESCO tại Việt Nam, đặc biệt là khuyến nghị đạo đức trong AI.

Ngay sau đó phiên đầu tiên với chủ đề "AI Automation - Tự động hóa và AI", ông Lê Đăng Ngọc, Phó Giám đốc Khối Nền tảng trí tuệ nhân tạo, Trung tâm Không gian mạng Viettel là diễn giả mở màn. Ông có bài trình bày về "Ứng dụng AI trong tự động hóa thay thế các tác vụ truyền thống của con người".

Sau phần trình bày tham luận, diễn giả đến từ Heineken cũng có bài chia sẻ từ góc nhìn ứng dụng công nghệ trong quá trình sản xuất.

Ở phiên thảo luận hai diễn giả đến từ doanh nghiệp cùng PGS.TS Bùi Thu Lâm, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Câu lạc bộ các Khoa - Viện - Trường công nghệ thông tin - truyền thông (FISU) Việt Nam sẽ trao đổi về giải pháp "Nâng cao năng suất lao động với AI và tự động hóa". Các diễn giả sẽ chỉ ra những ưu thế, khó khăn khi kết hợp tự động hóa và AI, đề ra giải pháp để khai thác thế mạnh của công nghệ này.

Phiên thứ hai có chủ đề "Ứng dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh trong doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam". Ông Cao Vương, Chủ tịch HĐQT AIVA Group, sẽ chia sẻ về "Ứng dụng AI đột phá doanh số bán hàng và Marketing".

Ông Cao Vương là nhà sáng lập AIVA Group - Giải pháp tiên phong về đào tạo và ứng dụng AI, đồng thời cũng là co-founder của Unica.vn, sàn khóa học online lớn nhất tại Việt Nam với gần 1 triệu học viên. Ông là chuyên gia đầu tiên giảng dạy về AI thực chiến với hơn 60.000 học viên trên khắp cả nước.

Sau ông Vương, ông Lê Hồng Quang, Phó Tổng Giám đốc thường trực Công ty Cổ phần MISA, sẽ chia sẻ về "Ứng dụng AI trong quản trị doanh nghiệp giúp tăng năng suất làm việc".

Tại phiên này phần thảo luận sẽ có sự tham dự của GS.TS Nguyễn Thanh Thủy, Chủ tịch FISU Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư ngành CNTT. GS Nguyễn Thanh Thủy cùng các diễn giả sẽ trao đổi về những cơ hội vàng cho doanh nghiệp khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh.

Ở phiên thứ 3 với chủ đề "Data center và AI Cloud" có sự tham gia của các diễn giả đến từ FPT và Salesforce. Trong đó đại diện FCI sẽ nói về việc FPT đầu tư hạ tầng AI Cloud, tiến ra thị trường quốc tế như thế nào.

Sau phần tham luận, phiên panel sẽ bàn về chủ đề "Cú hích nào cho thị trường Data Center Việt Nam bứt phá?". Các diễn giả sẽ cùng nhau phân tích, chỉ ra những cơ hội cho doanh nghiệp tận dụng lợi thế khi sẵn sàng cơ sở hạ tầng, đưa công nghệ mới vào thực tế sản xuất của đơn vị. Họ cũng chỉ ra những khó khăn, đề xuất chính sách từ trải nghiệm thực chiến của mình.

Trong phiên cuối cùng về "Ứng dụng AI trong lĩnh vực Y tế", TS.BS Nguyễn Hải Tuấn - Cố vấn Tin Sinh học Thabis sẽ trình bày về "Ứng dụng AI trong phác đồ điều trị ung thư".

Đại diện đến từ đơn vị đào tạo - PGS.TS Huỳnh Thị Thanh Bình - Phó Hiệu trưởng trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng có những phân tích ở góc độ chuẩn bị nguồn nhân lực để kéo gần hơn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế khi ứng dụng AI trong y tế.

Theo các chuyên gia, AI có nhiều tiềm năng, song để ứng dụng vào thực tiễn thường gặp nhiều thách thức cần được giải quyết để đảm bảo chúng có thể mang lại lợi ích thực sự. Một trong số đó là vấn đề: Chất lượng dữ liệu; Độ tin cậy và chính xác; Chấp nhận của người dùng; Vấn đề đạo đức và pháp lý...

Khép lại phiên hội thảo buổi sáng là bài trình bày về "Phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm ở Việt Nam" đến từ đại diện Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội).

AI4VN 2024 có chủ đề "Mở khóa sức mạnh trí tuệ nhân tạo tạo sinh" (Unlock the power of Generative AI". Sự kiện do Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo, Báo VnExpress tổ chức với sự phối hợp của Câu lạc bộ Các Khoa - Viện - Trường Công nghệ thông tin -Truyền thông (FISU), bắt đầu từ năm 2018.

Chương trình gồm các hoạt động: AI Summit, AI Workshop, AI Expo, AI Awards; hướng mục tiêu cung cấp bức tranh toàn cảnh từ góc nhìn ứng dụng, sự hưởng ứng của doanh nghiệp trong hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.

Ngoài phiên chính của AI4VN (AI Summit) diễn ra chiều 23/8 có sự tham của của lãnh đạo Chính phủ, bộ ngành và các tổ chức quốc tế, trong khuôn khổ AI4VN 2024, một triển lãm (AI Expo) gồm các gian hàng trình diễn các sản phẩm AI tiêu biểu của các doanh nghiệp, viện, trường... Khách tham dự có cơ hội trải nghiệm các sản phẩm mới ứng dụng AI đang có trên thị trường Việt Nam.

Ban tổ chức cũng trao giải cho các sản phẩm, giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo nổi bật (AI Awards 2024).

Nguồn: VnExpress